Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

LỜI KHUYÊN CHO SINH VIÊN Y KHOA

1. Khi bắt đầu học 1 chuyên khoa nào đó. Điều đầu tiên bạn nên xem lại những phần cơ bản như giải phẫu, sinh lý và sinh lý bệnh . . . (giống như chương trình block ngày xưa). Điều này sẽ giúp các bạn có nhiều thuận lợi khi bắt đầu bước vào học triệu chứng và điều trị.

Ví dụ: Trong bài hẹp 2 lá. Có thể là bạn chưa từng khám được 1 ca hẹp van 2 lá nhưng bước đầu các bạn có thể suy luận được là mình sẽ nghe ở vị trí nào trên thành ngực (giải phẫu), sẽ có những âm thổi ở thì nào của chu chuyển tim (sinh lý), âm thổi dạng gì? . . .

- Hẹp 2 lá tức là van 2 lá mở ra không hết.

- Khi van 2 lá mở ra không hết thì máu đi qua chỗ hẹp sẽ tạo nên âm thổi.

- Van 2 lá mở ra trong thời kỳ tâm trương (để máu từ nhĩ trái xuống thất trái).

- Vậy sẽ có âm thổi tâm trương.

- Âm thổi này sẽ nghe được ở ổ van 2 lá.

- Máu từ nhĩ trái xuống thất trái không hết sẽ ứ lại theo thời gian sẽ làm nhĩ trái to ra.

- Khi nhĩ trái to sẽ làm tăng áp lực động mạch phổi . . . . .

2. Phải học thuộc tất cả định nghĩa các khái niệm cơ bản của chuyên ngành đó bạn đang học. Nếu các khái niệm này có vẻ giống nhau thì nên đặt chúng lại gần nhau để dễ phân biệt hơn.

Ví dụ: Ối vỡ sớm: là ối vỡ khi đã vào chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở trọn.

Ối vỡ non: là ối vỡ khi chưa vào chuyển dạ.

(định nghĩa ối vỡ non hay ối vỡ sớm tùy thuộc vào “thời điểm ối vỡ” chứ không phải tùy thuộc vào “tuổi thai”)

Ví dụ: Nhau tiền đạo – Nhau bám thấp – Nhau bám mép – Nhau bong non – Nhau cài răng lược.

Thai quá ngày – Thai già tháng – Thai non tháng.

3. Cố gắng tham khảo nhiều tài liệu. Khi tham khảo nhiều tài liệu đôi khi bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì sẽ có nhiều quan điểm khác nhau cho 1 vấn đề, bạn sẽ lúng túng khi chọn lựa. Nhưng không sao đâu các bạn càng biết nhiều sẽ giúp các bạn nhớ bài lâu hơn. Bài giảng trên giảng đường chỉ là những phần cơ bản nhất và cũng chỉ phản ánh được 1 quan điểm của một vấn đề mà thôi.

4. Nên đặt nhiều câu hỏi với các thầy cô hoặc các anh chị khóa trên. Anh tin rằng các thầy cô sẽ không từ chối trả lời câu hỏi của các bạn đâu. Nhưng có vẻ các bạn rất ngại. Các anh chị khoá trên nên khuyến khích đàn em đặt câu hỏi với mình và nên hướng dẫn đàn em.

5. Nên học nhóm để có thể trao đổi kiến thức và giúp các bạn có cơ hội học hỏi lẫn nhau.

6. Ngoại ngữ chuyên nghành là phần rất quan trọng trong y khoa, muốn tiến bộ bạn phải đọc được tài liệu nước ngoài.

7. Hãy sớm xác định chuyên khoa mà mình sẽ theo từ đó có những định hướng học tập cụ thể.

VÀI Ý KIẾN DÀNH CHO CÁC BẠN KHI ĐI LÂM SÀNG

1. Sự tôn trọng:

Khi đi lâm sàng các bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều thành phần: thầy (cô), các bác sĩ trong bệnh viện, đàn anh, các chị điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. . . . Điều đầu tiên các bạn cần làm là thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người. Sự tôn trọng thể hiện như thế nào?

- Đối với bệnh nhân: các bạn phải thể hiện sự tôn trọng bằng hành động của mình. Luôn luôn lắng nghe bệnh nhân nói (cho dù đôi khi chủ đề không liên quan đến vấn đề bạn đang cần tìm hiểu), phải xin phép bệnh nhân trước khi khám bệnh, phải cám ơn bệnh nhân khi khám xong, hạn chế nhiều người khám trên một bệnh nhân cùng một thời điểm.

- Không bao giờ đưa ý kiến, bàn luận, phê phán về chẩn đoán và điều trị . . . trước mặt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trừ khi có bác sĩ hoặc thầy cô tại giường bệnh và cho phép các bạn nêu ý kiến còn lại giữa các bạn tuyệt đối không tập trung nhiều người đến khám rồi bình luận, bàn cãi về bệnh lý hoặc dấu hiệu lâm sàng trên người bệnh nhân, vì như vậy sẽ làm bệnh nhân hoang mang về bệnh của mình cũng như sẽ làm giảm cơ hội khám bệnh của những người bạn khác.

- Điểm đặc thù trên lâm sàng là có rất nhiều quan điểm chẩn đoán và điều trị rất khác nhau (đôi khi đối lập nhau), các bạn không nên bình luận hoặc có ý kiến khen chê nếu nó không giống những gì bạn đã học. Hãy tiếp thu tất cả và chọn lọc.

- Khi mọi người cần sự giúp đỡ của các bạn thì đừng từ chối cho dù người nhờ các bạn là 1 chị điều dưỡng . . . cho dù công việc rất là đơn giản như chuyển bệnh, thay dịch truyền . . .

Tôn trọng mọi người sẽ giúp các bạn thuận lợi hơn trong học tập, mọi người sẽ luôn giúp đỡ các bạn.

2. Hỏi bệnh và giao tiếp

Hỏi bệnh là 1 phần không thể thiếu khi đi lâm sàng, nhưng ngày nay anh nhận thấy rằng các bạn đang bỏ quên vấn đề này. Các bạn chỉ muốn khám bệnh tìm ra triệu chứng, bệnh lý . . . Hỏi bệnh sẽ có những ưu điểm như sau:

- Hỏi bệnh sẽ giúp các bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp, khi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân các bạn sẽ hiểu được tính cách của bệnh nhân và từ có sẽ giúp các bạn hình thành nên thái độ ứng xử với bệnh nhân một cách phù hợp (bệnh nhân cũng rất đa dạng) . . . tạo sự thân mật và tin tưởng của bệnh nhân đối với các bạn.

Ví dụ: bạn sẽ trả lời như thế nào nếu có người hỏi bạn “Những lần khám thai bác sĩ đều bảo bình thường tại sao bây giờ con tôi chết?” . . .

- Trò chuyện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ giúp các bạn đồng cảm hơn với bệnh nhân. Từ đây sẽ hình thành trong các bạn cái gọi là “y đức”.

- Hỏi bệnh sẽ giúp các bạn nhớ bài lâu hơn.

- Hỏi bệnh sẽ giúp các bạn liên hệ các triệu chứng lâm sàng cũng như bệnh lý . . .

- Hỏi bệnh sẽ giúp các bạn biết thêm được nhiều quan điểm về chẩn đoán điều trị của các bác sĩ. Từ đó các bạn sẽ rút ra được những bài học cho chính mình.

Ví dụ:Những trường hợp thai ngoài tử cung vỡ thì không khó để chẩn đoán nhưng nếu các bạn chịu khó hỏi bệnh nó sẽ giúp các bạn tìm ra được nguyên nhân làm cho bệnh nhân bị thai ngoài tử cung vỡ (chẩn đoán muộn) để từ đó có thể rút kinh nghiệm cho chính mình tránh phạm sai lầm.

3. Vấn đề học trên lâm sàng

- Khi học trên giảng đường các bạn học từng bệnh lý cụ thể (VD: suy tim, viêm phổi . . .), nhưng khi đi lâm sàng điều đầu tiên các bạn tiếp cận là những triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân đến với các bạn không phải họ nói với các bạn rằng tôi bị suy tim hay viêm phổi . . . mà họ sẽ nói rằng tôi bị khó thở, hoặc bạn sẽ tiếp cận với 1 bệnh nhân bị phù họ sẽ không nói với bạn là tôi bị suy tim hay xơ gan mà các bạn phải tìm ra dựa trên những triệu chứng bạn tiếp cận được . . . Phương pháp học ngày nay là PBL (Problem-based learning) học dựa trên vấn đề. Các bạn nên thay đổi cách học của mình, ghi lại những bệnh lý có cùng triệu chứng (khó thở: có thể do bệnh lý ở phổi hoặc ở tim . . . ), tìm hiểu triệu chứng đó trên từng bệnh lý có những điểm gì khác nhau (khó thở do ở phổi sẽ khác ở tim như thế nào . . . ). Biện luận, kết hợp với những triệu chứng lâm sàng khác để chẩn đoán.

- Trên giảng đường các bạn đều được tiếp thu kiến thức giống nhau, nhưng khi đi lâm sàng kiến thức các bạn có được sẽ rất khác nhau . . . Vì vậy các bạn nên tổ chức thành từng nhóm để cùng nhau học và thảo luận, như vậy sẽ giúp các bạn trao đổi những kiến thức mình học được cho người khác hoặc các bạn sẽ nhận được nhiều kiến từ bạn mình. Trao đổi tài liệu với nhau hoặc thông tin những ca lâm sàng hay đang ở bệnh phòng của mình quản lý. Trình bệnh án để nhóm cùng nghe, thảo luận (trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau) . . .

- Đôi khi vì lý do nào đó mà một vài bạn thể hiện “tính ích kỷ” của mình. Anh chỉ nói với các bạn ấy 1 điều: nếu bạn làm như vậy các bạn sẽ không bao giờ tiến bộ được, bạn có thể hơn các bạn của mình 1 bệnh án hay, 1 đề thi . . . nhưng bạn sẽ mất nhiều thứ mà bạn sẽ không biết được.

- Đặc thù trên lâm sàng là một vấn đề có thể xuất hiện rất nhiều quan điểm khác nhau. Cái bạn đang biết chưa chắc là phù hợp với tình huống bạn đang tiếp cận, vì thế bạn nên mạnh dạn đặt câu hỏi bày tỏ quan điểm của mình để được đàn anh hoặc thầy cô giải thích. Các bạn sẽ ngại vì mọi người sẽ cho là các bạn “chơi trội” hoặc bị chê là “dốt” . . .

- Đôi khi các bạn nghe tiếng tim bình thường, khám một cái bụng bình thường, khám một cái phổi bình thường . . . sẽ làm bạn mau chán và chỉ khám một vài lần. Nhưng anh khuyên các bạn phải tập thật nhiều, khám các triệu chứng bình thường thật nhiều, điều này sẽ giúp các bạn nhận ra ngay những trường hợp có biểu hiện bất thường . . .

- Khi đi lâm sàng các bạn sẽ tiếp cận được nhiều triệu chứng, bệnh lý . . . mà bạn chưa học trên giảng đường. Các bạn phải tự tìm hiểu, đọc sách . . . thay vì chờ đợi thầy cô giảng bài rồi mới tiếp cận với bệnh. Tự học là 1 phần rất quan trọng trong thực tập lâm sàng.

ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ RẰNG

1. Sau này tôi sẽ không đi chuyên khoa này nên bây giờ tôi chỉ cần học để đủ điểm là được rồi. Bạn sẽ không biết sau này bạn sẽ làm chuyên khoa nào đâu. Càng có kiến thức rộng về các chuyên khoa thì bạn sẽ giảm bớt sai sót trong chẩn đoán và điều trị. Ngày nay, một bệnh nhân sẽ có rất nhiều bệnh lý đi kèm.

2. Tôi chỉ cần ở nhà đọc sách và tham khảo tài liệu là tốt rồi không cần lâm sàng. Bạn nên hiểu rằng lâm sàng rất đa dạng, các tài liệu cũng chỉ phản ánh được một phần nhỏ trên lâm sàng mà thôi.

3. Hiện tại sinh viên rất đông nên tôi sẽ không có cơ hội thực tập. Các bạn có biết là khoảng thời gian từ 10 – 13 giờ và từ 0 – 6 giờ (tua trực) là khoảng thời gian bạn có thể thực tập được nhiều nhất không. Bạn có thể cho rằng học ở những thời điểm này sẽ rất là mệt, bạn nghĩ đúng đó. Nhưng nếu muốn giỏi bạn phải làm như vậy.

Chúc các bạn có 1 năm học đạt nhiều kết quả tốt!

BS Nguyễn Quốc Tuấn, giảng viên CTUMP

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY GAN CẤP

 1. ĐẠI CƯƠNG  Suy gan cấp là tình trạng tổn thương tế bào gan một cách ồ ạt do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cảnh lâm sàng cấp t...