Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

Nên Uống Thuốc Trước, Trong Hay Sau Khi Ăn???

Một điều mà Dược sĩ dù ở bất cứ đâu cũng có thể tư vấn để giúp bệnh nhân là mảng sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế có thể phức tạp hơn bạn nghĩ nhiều lần.

Ví dụ: người già có thể gặp khó nuốt viên nang/viên nén lúc ấy chỉ việc uống trước 1 ngụm nước làm thông cổ là sau đó có thể uống thuốc dễ dàng. Điều tưởng dễ nhưng hậu quả có thể xảy ra, nhiều loại thuốc bị phân rã trong thực quản có thể làm hại thực quản.

Nhiều người thích dùng thuốc sau khi ăn, vì nghĩ rằng khi đói uống thuốc sẽ bị ‘cồn’ ruột. Việc dùng thuốc trước, trong hoặc sau khi ăn ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tuỳ vào nhóm thuốc. Không phải lúc nào dùng thuốc sau khi ăn cũng có lợi, một số loại thuốc sau nên uống tránh xa bữa ăn.

Ví dụ:

- Các thuốc giúp giảm tiết acid dạ dày như nhóm ức chế bơm proton PPI (Pantoprazole, Omeprazole…) và nhóm đối kháng thụ thể histamin H2 (Famotidine, Cimetidine…) dùng khi bụng rỗng giúp tối ưu hóa hiệu quả của thuốc.

- Các nhóm kháng sinh như Tetracycline (Doxycycline, Tetracycline…), Penicillin (Ampicillin), Rifamycins (Rifampin, Rifabutin…) hay Macrolide (Azithromycin, Clarithromycin…) dễ bị ảnh hưởng bởi thức ăn và một vài loại đồ uống.

Một số loại thuốc nên dùng trong bữa ăn, hoặc sau khi ăn

- Aspirin và các loại thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) khác như Ibuprofen nên uống cùng hoặc ngay sau bữa ăn để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ như trào ngược và kích ứng dạ dày (do bản chất là acid và do tác dụng dược lý của chúng).

- Antacid là thuốc kháng acid dạ dày, dùng trong hoặc ngay sau khi ăn sẽ kéo dài hiệu quả của thuốc.

- Vitamin: Thời điểm các loại vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K) được hấp thụ tốt nhất là sau khi ăn nhờ mật được tiết ra từ gan để hấp thu các chất béo. Vitamin C có thể dùng trước hoặc sau khi ăn nhưng thường được khuyên dùng khi bụng no để tránh ảnh hưởng dạ dày, điều này áp dụng cho những người có dạ dày yếu, dễ nhạy cảm.

Bản thân thức ăn cũng có nhiều chất điện giải, tác chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc. Một số tương tác thuốc và thức ăn phổ biến như:

- Sữa và các sản phẩm từ sữa tương tác một số thuốc kháng sinh nhóm Tetracycline gây kết tủa canxi, sắt và khoáng chất khiến hiệu quả thuốc giảm. Bạn nên dùng sữa cách ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc.

-Các sản phẩm có tyramin (rượu vang, phô mai …) dùng với thuốc ức chế MAO (trị trầm cảm) sẽ dễ gây tăng huyết áp mạnh, có thể phải đi cấp cứu.

- Nước ép bưởi (grapefruit) làm giảm hoạt tính của men bất hoạt thuốc trong gan, làm tăng tác dụng chính và cả tác dụng phụ của nhiều loại thuốc. Ví dụ, các loại thuốc giảm cholesterol trị mỡ máu, người bệnh có thể bị triệu chứng như đau đầu, vấn đề về tiêu hóa, suy nhược cơ, tổn thương gan, suy thận mặc dù đang sử dụng liều thường dùng của thuốc.

- Các loại rau có lá xanh và thực phẩm giàu vitamin K làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin. Đây là một tương tác nguy hiểm vì nguy cơ huyết khối, tắc mạch.

Với người dân, nếu có bất cứ nghi ngờ nào, hãy hỏi BS và DS của bạn để việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cao nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY GAN CẤP

 1. ĐẠI CƯƠNG  Suy gan cấp là tình trạng tổn thương tế bào gan một cách ồ ạt do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cảnh lâm sàng cấp t...